Hồi nhỏ mẹ quẳng nó sống ở nhà bà ngoại một thời gian. Nó cảm nhận được đầy đủ sự ghẻ lạnh và tủi cực ở đời từ những người họ hàng. Vì nó là một đứa trẻ không có bố. Gia cảnh lại nghèo hèn và có tới bốn chị em gái. Nhà bà ngoại rất hay có dỗ. Những dịp ấy nó rất vui vì sẽ có nhiều đồ ăn. Mọi người trong nhà, thường là sẽ đối xử rất tử tế với nó. Vì có nhiều quan khách mà! Họ còn muốn được tiếng là nhân đức nữa kia!
Trong họ nhà nó có một cụ tên là Đa. Gọi bằng “ cụ” nhưng cụ ấy khi đó chắc cũng chỉ tầm 60 tuổi. Nhưng vì của cụ có "vai" rất cao trong họ ngoại, thế là nó phải gọi bằng “ cụ”. Bà ngoại dặn nó đứng chơi ngoài cồng, khi thấy cụ đến phải khoanh tay chào lễ độ, và mời cụ vào nhà xơi nước. Giờ nó mới biết bà ngoại đã sai nó làm nghi lễ của “ một người ở” thời xưa khi có khách quý đến nhà. Dù vậy nó vẫn rất vui mỗi dịp nhà bà ngoại có cỗ to để có cụ Đa đến uống rượu.
Nó nhìn cụ và luôn thầm tưởng tượng cụ là ông bụt, ông tiên trong câu chuyện cổ tích mà cô giáo kể ở lớp. Cụ Đa vẫn rất trẻ khỏe, nhưng mái tóc cụ bạc trắng như cước. Da dẻ thì căng mịn, hồng hào như một ông tiên vậy. Cụ trông rất hiền từ, cư xử luôn nhã nhặn lịch sự với tất cả mọi người, kể cả nó. Vì vốn chẳng được ai đối xử tốt như thế bao giờ, nên nó rất yêu kính cụ. Nó cũng luôn thầm ao ước sau này lớn lên được như cụ, có được sự tôn trọng và yêu kính của tất cả mọi người.
Có lần nó rón rén đến bên cụ hỏi cụ cách làm thế nào để được như cụ. Nó muốn sau này trở thành người giống như cụ, làm cụ rất ngạc nhiên và cười lớn. Bà ngoại thì giận tái mặt vội đuổi nó đi xa. Với bà ngoại, ao ước được trở thành người được cả họ tôn kính như cụ là một sự bất kính lớn với cụ. Dù vậy cụ Đa nhìn nó mỉm cười vô cùng hiền từ và nhân hậu, cụ vuốt nhẹ chòm râu phơ phất trông như một ông tiên. Rồi cụ hiền từ, khiên tốn, nhã nhặn nói với nó: Để cụ suy nghĩ đã, cháu cũng cần phải suy nghĩ thêm về điều đó. Nó nói vâng ạ rồi chạy đi, nếu không sau đám dỗ thế nào nó cũng phải khổ sở chịu đựng sự đay nghiến, chì triết của bà và mợ.
Nó cứ chống cằm và suy nghĩ. Cuối cùng nó nghĩ rằng cụ được như vậy là vì cụ đi “ xe đạp đua”! Và nó rất thích chiếc xe đạp đua của cụ ở sân. Nó cứ say xưa ngắm cái xe của cụ và ao ước được sở hữu cái xe đó. Nó rất muốn được đi thử chiếc xe đẹp tuyệt đó. Lần này thì cụ rất không vui vì ý thích ngông cuồng của nó. Cụ đã bị tổn thương, mất một lúc cụ mới lấy được thăng bằng và ôn tồn, nhã nhặn giải thích cho nó. Cụ nói: Chiếc xe đó là phần thưởng cụ được tặng khi đạt giải nhất cuộc thi đua xe đạp Đông Dương khi cụ còn trẻ. Nó là một kỷ niệm quý, một niềm tự hào lớn của cụ. Nếu cháu muốn trở thành người giống như cụ, cháu phải học thật nhiều và tích cực hoạt động thể thao mới được. Khi nào cháu vào được đại học, nếu cháu còn muốn chiếc xe này, cụ sẽ tặng cháu. Nói rồi cụ đi mất giống như một ông bụt biến mất khi nói được điều cần nói vậy.
Từ đó trở đi, nó trở lên vô cùng ham học hỏi, nó nhất định phải trở thành người có nhiều học vấn và không làm tổn thương người khác. Nó cũng chơi tốt rất nhiều môn thể thao như: Chạy, ném bóng, đá bóng, nhảy xà, cầu lông, bóng chuyền, …và đạp xe đạp. Vì ngày nó lớn lên, trở thành sinh viên. Nó đã mua một chiếc xe đạp đua cho riêng mình. Nó đã đủ lớn khôn để nhận biết không thể nhận chiếc xe đạp của Cụ Đa. Mỗi buổi cuối tuần, nó thường đạp xe hơn 10 cây số về nhà bằng chiếc xe đạp đua. Nó rất vui vì điều đó, đúng là một công đôi việc. Nhưng chiếc xe hơi cao, mà vóc người nó hơi nhỏ. Trông nó vi vu, lạng lách trên chiếc xe đạp đua chẳng nữ tính chút nào. Thế là mẹ bí mật bán chiếc xe đạp đua của nó và thay vào một chiếc xe mini Nhật. Nó buồn lắm. Nhưng chuyện đã rồi, lên đành thôi.
Giờ nghĩ lại, nó thấy biết ơn cụ Đa. Nhờ cụ mà nó đã đi vào con đường chính đạo: học tập và rèn luyện thân thể ngay từ khi rất nhỏ. Vì thế nó đã vượt qua hoàn hảo khá nhiều nghịch cảnh của gia đình! Thành công của mỗi người đôi khi phụ thuộc khá nhiều vào may mắn. Mới đó mà cũng đã hơn hai mươi năm trôi qua. Cụ Đa giờ đã hơn tám mươi tuổi, vẫn còn khá khỏe và đạp xe quanh hồ Hoàn Kiến thư giãn mỗi tuần. Đúng là vận động viên chuyên nghiệp đẳng cấp quốc tế có khác! Nó biết nó sẽ chẳng bao giờ có thể bằng cụ được. Nhưng cụ mãi là một trong số rất ít người mà nó tôn trọng, nể phục tuyệt đối. Chúc cụ sống lâu 200 tuổi, để cho ông con cụ đang là giám đốc một ngân hàng ở Hà Nội có thêm nhiều điều kiện báo hiếu với cụ. Nó cũng ước nó mau chóng thật thành công, nó sẽ đến thăm cụ, một con người thật là vĩ đại!
Xem thêm các bài viết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét