Romi Haan tin tưởng công ty sẽ thành công đến mức đã thế chấp cả nhà mình, bố mẹ đẻ và nhà chồng để kinh doanh. Cô hiểu rằng nếu thất bại, "tất cả sẽ phải ra đường".
Nhưng hiện tại, cô đã là Chủ tịch kiêm CEO Haan Corp - công ty điện máy trị giá hàng trăm triệu USD tại Hàn Quốc. Niềm tin vững chắc vào bản thân đã giúp Haan dấn thân vào ngành công nghiệp của nam giới, không chỉ thống trị thị trường Hàn Quốc mà còn xuất khẩu sang Mỹ.
Năm 1998, Haan nảy ra ý tưởng về một thiết bị lau chùi mà cô cho rằng sẽ tạo nên đột phá, xứng đáng để từ bỏ công việc đầy triển vọng tại Bộ Giáo dục. Ở Hàn Quốc, các ngôi nhà thường được giữ ấm bằng sàn hơn là lò sưởi. Mọi người có thể đi chân trần trong nhà, ăn và ngủ luôn trên sàn. Vì thế, giữ sàn sạch sẽ là quan trọng nhất và thường được giao cho phụ nữ. Họ phải bò xuống sàn và chà xát bằng tay.
Romi Haan đã thành công nhờ liều lĩnh và quyết tâm. Ảnh: Haan Corp
|
Haan ghét công việc này. Cô cảm thấy sẽ thật tốt nếu có một loại máy lau nhà tự động phun hơi nước, để nhanh chóng làm sạch sàn. Haan là một phụ nữ hiện đại, có bằng MBA tại Đại học California (Mỹ). Nhưng cô không phải kỹ sư. Nhưng kể cả như vậy, cô cũng vẫn thử làm vài mẫu. Đến năm 1999, Haan nghỉ việc và thành lập Hanyoung Electric.
"Tôi cảm thấy có nghĩa vụ giải phóng sức lao động cho phụ nữ Hàn Quốc. Nếu không phải tôi, sẽ chẳng ai có thể làm được", Haan cho biết trên Business Insider.
Kế hoạch phát triển sản phẩm trong 6 tháng đã bị kéo dài thành 2 năm. Và Haan phải rất chật vật tìm vốn, một phần do quan niệm trọng nam khinh nữ tại Hàn Quốc.
Cô vẫn còn nhớ lần một nhân viên tín dụng nam đã đến đánh giá doanh nghiệp của mình. Nhưng anh này lại chỉ hỏi về lĩnh vực chồng cô từng phá sản, vì cho rằng cô đi vay hộ chồng. "Anh ta không nghĩ rằng một người phụ nữ có thể lập công ty điện máy. Nhưng tôi đã lấy việc này để khích lệ hơn là ngồi chán nản", cô nói.
Với sự hỗ trợ của chồng - nhân viên kinh doanh của một công ty thiết bị giáo dục, cô thế chấp nhà mình để vay 100.000 USD. Cuối cùng, để đủ vốn, cô đã phải lấy cả nhà bố mẹ hai bên. Haan hiểu rằng mình có thể thất bại, nhưng việc này không ngăn cản cô tiếp tục.
Chiếc máy Steam Cleaner đã giúp Haan kiếm cả trăm triệu USD năm ngoái. Ảnh: Haan USA
|
"Tôi có thể ra đường và bắt đầu lại", cô cho biết. Niềm tin này đã giúp Haan giữ được nhiệt huyết sau khi mẫu sản phẩm đầu tiên thất bại vì quá phức tạp.
Bên cạnh đó, dù biết phụ nữ sẽ rất hào hứng đón nhận sản phẩm của mình, cô vẫn gặp rắc rối khi thuyết phục đại diện nam của các hãng bán lẻ. Họ không hiểu tại sao đồ của cô lại tốt hơn máy hút bụi. Vì thế, khi bị từ chối, Haan quyết định quảng cáo trực tiếp với phụ nữ, và kế hoạch đã thành công.
Năm 2004, cô liên hệ với kênh mua sắm Home Shopping Network của Hàn Quốc và giới thiệu sản phẩm mới với thiết kế đơn giản hơn. Họ đã chấp nhận và đưa loại máy của cô lên truyền hình. Chỉ trong giờ đầu tiên xuất hiện, 2.000 chiếc đã được bán ra. Đến cuối năm, cô bắt đầu có lợi nhuận và sang năm sau, doanh thu tăng chóng mặt. Các công ty như LG hay Samsung bắt đầu ra sản phẩm tương tự, nhưng Haan vẫn chiếm 80% thị trường và thường xuyên cháy hàng.
Năm 2006, cô đổi tên công ty thành Haan Corp để phân biệt với các đối thủ và kết nối với thương hiệu bản thân. Kể từ đó, cô thường xuyên xuất hiện trên các chương trình TV cùng sản phẩm của mình. Cùng năm đó, Haan còn mua lại một nhà máy sản xuất lớn ở Trung Quốc.
Năm 2007, Haan quyết định tấn công sang Mỹ và liên hệ với kênh mua sắm nổi tiếng - QVC. Tháng 9 năm đó, cô xuất hiện trên kênh này để quảng cáo sản phẩm và bán hết veo trong 6 phút. Đến nay, Haan vẫn chọn các kênh mua sắm qua truyền hình để bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng. Ngoài máy lau nhà, cô còn mở rộng ra nhiều đồ gia dụng khác nữa. Năm 2012, cô được Forbes bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
Năm ngoái, Haan Corp mang về 120 triệu USD doanh thu và duy trì 75% thị phần máy lau nhà phun hơi nước tại Hàn Quốc. Haan còn tổ chức một chương trình giúp phụ nữ nghỉ sinh có thể tái hòa nhập với công ty. Cô muốn sau khi mình nghỉ hưu, sẽ có một CEO nữ lên thay.
Haan cho biết nếu có cơ hội làm lại, cô sẽ đầu quân cho một công ty điện máy trước để hiểu rõ về ngành công nghiệp này. Sau đó, cô sẽ học marketing để biết cách thuyết phục khách hàng ngay từ đầu.
Nhưng dù vậy, sau nhiều năm vật lộn với thử nghiệm và thất bại, sự quyết tâm mới là yếu tố khiến cô không ngừng tiến lên và thành công. "Điều giúp tôi đứng vững là không bao giờ bỏ cuộc. Tôi nghĩ rằng nó đã giúp mình tự tin hơn. Tôi còn trẻ và luôn quan niệm phải đi đến cùng", cô nói.
Phạm Thị Hợi sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét